Bánh Tráng nhúng giòn Phù Mỹ


Điểm khác biệt ở bánh tráng Phù Mỹ không giống như những loại bánh tráng nhúng khác là ” Bánh rất giòn, nhúng xong để lâu vẫn không bị chai như những bánh ở nơi khác”. Khi bánh ráo vừa có độ mềm, độ dai mà còn thêm vị giòn giòn lạ lạ thú vị.

ĐẶT TOUR

Bánh tráng có từ thời nào?

Bánh tráng là món lương khô phổ biến cả nước. Nó tham gia vào nhiều món ăn như gỏi, cuốn…, nó có thể ăn kèm vào bún, phở, mì Quảng…, nó có thể ăn một cách độc lập thay cơm như bánh tráng cuốn chấm nước mắm… Vấn đề đặt ra là nó xuất phát từ thời nào, ai sáng tạo ra nó?

Ở Bình Định, cha mẹ dặn con đi đâu cũng phải giắt theo mấy đồng, lỡ “đập bánh tráng” thì sao? Có nghĩa là giá chiếc bánh tráng quá rẻ, làm bể cái thứ hàng hạng chót đó cũng phải có tiền đền, kẻo ê mặt. Ở vùng quê Bình Định, mỗi nhà nông đều có dự trữ vài ràng bánh tráng ăn thay cơm. Sáng ra đi làm đồng sớm, có thể khỏi nấu cơm, cứ nhúng bậy vài chiếc bánh tráng ăn lót dạ là đủ sức đi cày. Trưa trưa, đói bụng cũng có thể nhúng nước vài chiếc cũng xong.

Cái kiểu ăn bánh tráng ở Bình Định, chắc không nơi nào có. Đó là ăn bánh tráng “chay” không có kèm theo bất cứ loại nhân nào, chỉ việc nhúng nước, giã ớt tỏi, vắt chanh vào nước mắm rồi cuốn lại chấm ăn, rất đơn giản. Ngay cả học trò Bình Định đi học xa cũng nghiện bánh tráng. Học bài tới mười một, mười hai giờ đêm, bụng đói, có tiếng hô “Bánh tráng nè” thế là đứa thì làm nước chấm, đứa nướng bánh, đứa nhúng nước… xong xúm lại ăn ồn ào, vui vẻ. Cũng không có nơi nào dùng bánh tráng ướt cuốn bánh tráng chín thành món cuốn như ở Bình Định.

Vào mùa cá, bánh tráng góp phần đặc biệt. Cá nục, cá lồ ô… vào mùa biển yên, nhiều và rẻ hơn cả khoai lang, cá hấp, nướng đều được, xong dùng bánh tráng ướt cuốn rau muống sống, một miếng cá rồi chấm vào nước mắm ớt tỏi. Vị dai của bánh tráng, giòn của rau muống, ngọt bùi của cá biển làm người ăn không muốn dừng. Vì thế ở Hoài Nhơn, một huyện phía bắc tỉnh Bình Định có câu ca dao: Bánh tráng Bồng Sơn cuốn con cá bẹ/(Như) anh cưới em về có mẹ có cha. Bồng Sơn là thị trấn của huyện Hoài Nhơn, nơi có nhiều dừa. Vì thế ở đây có món bánh tráng nước dừa kèm với mè, hành, nướng lên rất thơm và ăn rất hấp dẫn. Xe khách Nam Bắc qua Bồng Sơn đều mua một vài ràng về làm quà.

Cách Quy Nhơn bảy chục cây số, huyện Phù Mỹ là vùng đất cát, trồng rất nhiều mì (sắn) nên họ làm bánh tráng bằng bánh mì bột nhứt. Đó là một cách tận dụng lương thực.

Bánh tráng có vai trò đặc biệt quan trọng trong cúng giỗ ở Bình Định. Mỗi khi cúng giỗ, sang hay hèn đều có vài cái bánh tráng nướng đặt trên bàn thờ. Bắt đầu bữa ăn giỗ, âm thanh đầu tiên là những tiếng “cúc, cắc” bẻ bánh tráng sau khi có tiếng mời “cầm đũa” của gia chủ. Có người cho bánh tráng là thứ lương khô của quân Tây Sơn. Với việc ăn uống dễ dàng không cần nấu nướng nên thuận lợi cho cuộc hành quân thần tốc nhưng Tây Sơn không phải là người làm ra chiếc bánh tráng.

Nhà nghiên cứu Minh Chánh đặt giả thiết là bánh tráng có từ đời nhà Trần. Bắt đầu từ việc Trần Nhân Tôn gả Huyền Trân công chúa cho Chế Mân để đổi lấy hai châu Ô và Rí. Sau đó nhà Trần phát triển vào thành Đồ Bàn (là kinh đô của nước Chăm thời đó) hiện nay nằm trong địa bàn tỉnh Bình Định. Trước khi rút quân, vua Chăm đã ếm bùa trong tất cả nguồn thức ăn, nước uống, dân ngoài Bắc di cư vào Bình Định thời đó ăn, uống đều bị thổ tả. Sau đó, người dân phải sử dụng bùa của Thái Thượng Lão Quân để trừ, trước khi ăn phải vẽ bùa vào giấy và đốt. Sau này, người ta thấy nhiêu khê quá nên sáng tạo ra chiếc bánh tráng.

Quan sát người làm bánh tráng ở Bình Định, người ta thấy khi đổ bột lên mặt khuôn, bao giờ họ cũng vạch 5 vạch ngang và 4 vạch dọc. Đó là kiểu bùa “Tứ tung, ngũ hoành” để trừ cách ếm bùa của người Chăm. Vì bánh tráng là bùa, có tính cách linh thiêng nên không ở đâu như Bình Định, muốn bẻ bánh tráng trong lúc cúng giỗ, người ta phải đưa lên trên đầu mà bẻ, biểu hiện sự cung kính.

Cách giải thích này nghe có lý nhưng chưa được ai kiểm chứng. Tuy nhiên, ở Phù Mỹ nói riêng và Bình Định nói chung, bánh tráng quá cần thiết và gắn liền với đời sống của người dân nơi đây cho nên nhận định trên cũng phần nào lý giải và tạm chấp nhận được.

Bánh tráng Bình Định

Việt Nam có một văn hóa ẩm thực vô cùng phong phú trải dài từ Bắc vào Nam. Và nơi đâu cũng có sự xuất hiện của một món ăn dân dã, bình dị mà không kém phần độc đáo – món bánh tráng. Trong vô vàn các món bánh tráng nổi tiếng: bánh tráng Kế (Bắc Giang); bánh tráng Cầu Bố (Thanh Hóa); bánh tráng Trảng Bàng (Tây Ninh) thì món bánh tráng Bình Định có nét đặc trưng riêng làm nên thương hiệu của mình. Không phải ngẫu nhiên mà bánh tráng Bình Định nổi tiếng mà bên cạnh hương vị tuyệt hảo nó mang lại, bánh tráng Bình Định còn thể hiện nét hay trong văn hóa ẩm thực của dải đất duyên hải thân yêu.

Cái tên gọi đã nói lên được cách làm bánh. Gọi là bánh tráng Bình Định vì công đoạn chủ yếu khi làm bánh là phải tráng mỏng. Đầu tiên, người làm bánh phải chuẩn bị nguyên liệu  là bột gạo (nhiều nơi dùng sắn, ngô, đậu xanh... hoặc pha trộn chung) pha lỏng vừa phải với nước. Có cho vào đó một ít bột sắn với một tỷ lệ hợp lý để bánh có thêm độ dẻo, ít bị bể và dễ tráng mỏng, nếu pha nhiều bột sắn (khoai mì) sẽ làm cho bánh có vị chua. Ngoài ra còn có các phụ gia khác như mè, muối, tiêu, tỏi, dừa, hành, đường... tùy loại bánh tráng các miền. Và công thức để làm ra bánh tráng Bình Định ngon, hấp dẫn thì vẫn còn là một bí mật mà chỉ những người dân địa phương biết được để đảm bảo cho thương hiệu bánh tráng riêng của mình.



© 2017 Du lịch phù mỹ . Thiết kế bởi Công ty ITO

Chat Zalo

Hotline: 0909922230
Chat Zalo
Gọi điện ngay